31/10/11



Chưa hài lòng với chất lượng phát biểu, thảo luận từ đầu kỳ họp, Phó đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh trăn trở những ý tưởng đổi mới hoạt động nghị trường: thay đổi cơ cấu đại biểu, chia hai hội trường…
Đợi thời gian trả lời 

Đầu kỳ họp, Quốc hội đã khẳng định sẽ tiến hành ngay một số đổi mới trong các phiên thảo luận tại nghị trường để phiên họp đạt chất lượng cao. Vậy theo dõi các phiên thảo luận vừa qua, ông thấy đã có đổi mới nào so với khóa 12 chưa?
- Kỳ họp thứ nhất chủ yếu bàn công tác nhân sự và cũng đã có một phiên thảo luận kinh tế – xã hội truyền hình trực tiếp. Bây giờ là kỳ họp thứ hai. Phiên thảo luận lần này rất quan trọng. Thứ nhất là đánh giá tình hình kinh tế – xã hội 5 năm qua. Thứ hai là đánh giá năm 2011 và bàn hướng phát triển cho năm 2012 và 5 năm sắp tới.
Ngày đầu tiên thảo luận có 50 lượt ý kiến. Các đại biểu đã tham gia rất tích cực. Nhiều người đã phân tích các vấn đề kinh tế – xã hội nóng bỏng hiện nay, đáp ứng phần nào tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
Tuy nhiên, các ý kiến chưa thật sự sâu sắc và chưa tập trung. Trong khi có những người nêu ra các phân tích rất uyên bác, lại có nhiều người chỉ dẫn những việc ở địa phương mình. Các ý kiến đó không đủ tính đại diện cho cả nước. Có những người đã phát biểu ở tổ rồi nhưng ra đến hội trường lại nhắc lại. Trong khi lẽ ra cần trao đổi, thảo luận nhiều hơn về các vấn đề lớn và tập trung.
Tôi chỉ ví dụ là lần này Chính phủ đưa ra các phương án tái cấu trúc, trong đó chú trọng tái cấu trúc ngân hàng, tái cấu trúc doanh nghiệp… Biện pháp nghe thì đúng rồi nhưng đưa ra Quốc hội phải được bàn bạc sâu để xem đưa vào triển khai trong thực tế sẽ thế nào. Nhưng rồi vẫn rất ít ý kiến.

Hoặc, đầu tư công, hiệu quả vào đâu và đến đâu cũng chưa thấy nói rõ. Chính phủ nói tập trung cho giáo dục, y tế nhưng không hiểu sao ngành nào cũng kêu. Vậy nguyên nhân là do đâu, phải phân tích rõ.
Vì thế, có thể thấy là khi đưa ra Quốc hội bàn bạc đã không kỹ, giải pháp đề ra không sâu thì chủ trương có đúng cũng chưa chắc đã làm được như mong muốn.
Vẫn còn tình trạng chệch choạc như vậy phải chăng là do các đại biểu khóa mới chưa bắt nhịp được với hoạt động Quốc hội? Điều này có xảy ra ở các kỳ họp đầu tiên khóa trước không, thưa ông?

- Rất khó để so sánh khóa cũ với khóa mới. Nhưng cơ cấu ở mỗi khóa, mỗi nhiệm kỳ là khác nhau nên quyết định đến chất lượng đại biểu khác nhau. Nhưng theo tôi, muốn nâng cao chất lượng thì phải thay đổi cơ cấu đại biểu. Vì không phải ai là đại biểu Quốc hội cũng dám nói.
Ví dụ một đại biểu đồng thời đang kiêm nhiệm chức vụ ở một ngành nào đó thì liệu anh có dám phát biểu mặt trái của ngành đó trên hội trường không? Nhưng nếu anh đã là đại biểu chuyên trách rồi, và anh đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề đó thì sẽ dám nói và ý kiến sẽ có chất lượng.
Phần lớn những phát biểu có chất lượng chủ yếu rơi vào số đại biểu chuyên trách. Tất nhiên đây cũng mới là kỳ họp thứ hai của nhiệm kỳ nên vẫn còn nhiều chuyện mới mẻ. Chưa thể căn cứ vào đó mà đánh giá được hết chất lượng.

Phải đợi thời gian trả lời
Tôi đề nghị chia hai hội trường
Nhưng mỗi kỳ họp sẽ bàn những vấn đề quốc kế dân sinh quan trọng và đòi hỏi của cuộc sống không thể chờ đợi sự trưởng thành từ từ của các đại biểu…
- Mỗi năm chúng ta chỉ họp hai kỳ và mỗi kỳ thảo luận kinh tế – xã hội, các đoàn chỉ được 1 đến 2 người phát biểu mà những người đứng lên nói chưa chắc đã là người đại diện cho toàn bộ tinh hoa của đoàn đó.
Tất nhiên ai cũng mong muốn đại biểu Quốc hội ngày càng phải có chất lượng cao. Nhưng do đặc điểm cơ cấu, mỗi nhiệm kỳ lại theo cơ cấu khác nhau nên đã ảnh hưởng đến chất lượng. Có những nhiệm kỳ có được rất nhiều đại biểu chất lượng hoạt động cao hơn hẳn nhưng có nhiệm kỳ chất lượng lại bình thường.
Quốc hội đang bàn đề án đổi mới hoạt động. Vậy theo ông, để có những phiên thảo luận nóng, thu hút và đáp ứng sự mong mỏi của cử tri thì sẽ phải thay đổi từ đâu?
- Tất cả cũng phải từ con người mà ra. Thứ nhất là cần thay đổi cơ cấu đại diện trong Quốc hội. Tăng số lượng đại biểu chuyên trách lên.
Thứ hai, đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội. Nói ví dụ thế này, như các phiên thảo luận hiện nay, nếu họp cả ngày ở hội trường về kinh tế – xã hội cũng chỉ tối đa khoảng hơn 50 người được nói. Vậy là 450 người còn lại cứ thế ngồi ở dưới để nghe. Vậy tôi đề nghị có thể chọn theo cách là chia ra làm hai hội trường để nhiều người được nói và sau đó tập hợp lại
Ngoài ra, cần tổng kết các ý kiến thảo luận ở tổ, sau đó chỉ nêu các ý kiến cụ thể còn có quan điểm khác nhau để đưa ra hội trường cho đại biểu phân tích. Không đọc bài phát biểu chuẩn bị sẵn.
Không nên để tình trạng như hiện nay, các ý kiến quá loãng, trùng lặp. Ai cũng sợ cử tri chê trách nên cố gắng đứng lên để phát biểu cho cử tri thấy mặt. Do đó, không ít người cứ nói những vấn đề xa xôi ở đâu đó không liên quan đến mạch thảo luận chung.
Tôi hy vọng rằng càng về các kỳ họp sau này, đại biểu ngày càng sắc sảo hơn và gia tăng các ý kiến phản biện. Nhưng để có tính phản biện, cũng cần đòi hỏi bản lĩnh nghị trường.
Đo mức độ hài lòng của dân “Chúng ta xác định chính quyền của chúng ta là của dân, do dân, vì dân. Các đại biểu của dân đi họp ở đây mang theo biết bao tâm tư bức xúc của người dân với mong muốn là mọi việc sẽ tốt hơn qua mỗi kỳ họp. Nhưng chúng ta chưa có một chỉ số cụ thể để đo lường việc này.
Tôi cho rằng Quốc hội nên đưa thêm chỉ tiêu, mức độ hài lòng của người dân để đánh giá hoạt động của các cơ quan quyền lực trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm. Việc tổ chức điều tra xã hội học để xác định mức độ này không khó.
Quốc hội có thể đưa ra tiêu chí cần thiết để việc điều tra này đem lại được những số liệu cần thiết, cụ thể, giúp các cơ quan quyền lực điều chỉnh pháp luật và chính sách hiệu quả hơn, phù hợp hơn với mong muốn của người dân, doanh nghiệp và cả xã hội”.
Đại biểu Quốc hội Mai Hữu Tín (Bình Dương)
Lê Nhung

15/10/11

Đề xuất thí điểm bí thư đứng đầu ban chống tham nhũng

Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh đề xuất thí điểm mô hình bí thư hoặc chủ tịch HĐND cấp tỉnh làm trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Song Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, việc thí điểm trái với luật hiện hành nên phải đợi tổng kết 5 năm thi hành luật.

Chiều 14/10, UBTVQH nghe báo cáo và thảo luận công tác phòng chống tham nhũng năm 2011.

Phải tổng kết hoạt động ban chỉ đạo
Một trong những vấn đề được Tổng TTCP đề xuất là thí điểm mô hình bí thư hoặc chủ tịch hội đồng nhân dân cấp tỉnh làm trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, thay cho chủ tịch tỉnh như hiện nay.
Theo ông Huỳnh Phong Tranh, TTCP đưa ra đề xuất này là để nhằm mục đích tách hẳn những người vừa làm công tác quản lý nhà nước, vừa làm trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng.
Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh. Ảnh: Lê Anh
TTCP đã báo cáo đề xuất này với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Quan điểm của Chủ tịch nước là trước mắt chưa thể làm ngay mà cần phải báo cáo với UBTVQH. Nếu UBTVQH đồng ý, có thể cho phép làm thí điểm ở một số tỉnh. Sau khi thí điểm, đánh giá hiệu quả và tùy điều kiện cụ thể để tiến hành sửa Luật phòng chống tham nhũng. Sau này nếu có đánh giá lại hiệu quả thì có thể tiến hành sửa luật, điều chỉnh mô hình tổ chức ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh.
Trước đề xuất mới này, các thành viên UBTVQH đã bày tỏ nhiều băn khoăn.
Như Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý phân tích, trước khi muốn tiến hành thí điểm, TTCP phải tổng kết, xem xét lại mô hình ban chỉ đạo hiện nay, rút ra những mặt được và chưa được. Phải tổng kết xem trong quá trình hoạt động lâu nay, nếu người đứng đầu là chủ tịch tỉnh thì gặp phải những vướng mắc, hạn chế gì.
Việc thí điểm đưa bí thư thay chủ tịch tỉnh làm trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng rất quan trọng. Cần đánh giá trước khi thực hiện”, ông Lý nói.
Còn theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đề xuất của TTCP chưa dựa trên căn cứ thực tiễn. Do chưa có tổng kết, đánh giá mô hình hoạt động hiện tại nên chưa thể vội vàng tiến hành thí điểm theo mô hình mới.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, TTCP cần có tờ trình riêng về vấn đề này.
Tiếp thu ý kiến của Thường vụ, Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng cho hay, tuy chưa tổng kết mô hình hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh song thời gian qua, rất nhiều ý kiến từ phía các đại biểu Quốc hội cũng như trong Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương về việc xem lại vấn đề phân công chủ tịch tỉnh làm trưởng ban liệu đã hợp lý.
“Tuy nhiên, để đưa ra Quốc hội là phải có tờ trình rõ ràng. Chúng tôi xin rút lại kiến nghị này, đợi tổng kết 5 năm  thi hành luật phòng chống tham nhũng rồi sẽ xem xét”, ông Lượng nói.
Cẩn thận bệnh ‘nhờn thuốc’ với tham nhũng
Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ cũng “vấp” phải sự không hài lòng của các thành viên UBTVQH. Báo cáo được nhìn nhận là còn sơ sài, chưa đưa ra được các đánh giá, nhận định cũng như đề xuất mới. 
Thẩm tra báo cáo, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm UB Tư pháp cho rằng, cần đánh giá thêm về chất lượng các vụ án tham nhũng. Hiện nay, hầu hết vụ tham nhũng đều xử lý kỷ luật chứ không xử lý hình sự. Thậm chí, nhiều vụ việc tham nhũng gây thất thoát tiền tỷ nhưng người đứng đầu cũng chỉ bị cảnh cáo.
Theo ông Hiện, nhiều địa phương, ban ngành cho rằng tình hình tham nhũng đã giảm. Nhưng thực tế, như đánh giá của Tổ chức minh bạch quốc tế,  thì Việt Nam vẫn chỉ được 2,7/10 điểm và tình hình vẫn không cải thiện.
Ông Hiện đề xuất phải phân tích làm rõ thêm các nguyên nhân dẫn đến tình trạng không phát hiện được các vụ việc tham nhũng, như: tình trạng buông lỏng ở một số cơ quan điều tra, công tác tự thanh tra, kiểm tra, tự phát hiện trong nội bộ và hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh chưa cao.
Đáng chú ý, theo ông Hiện, tài sản phát hiện được do tham nhũng lên tới hơn 15 nghìn tỷ đồng nhưng thu hồi nộp ngân sách nhà nước lại rất hạn chế, chỉ chiếm 2,6% (300 tỷ đồng).
Ông Hiện cũng chỉ ra một số điểm mâu thuẫn khác. Chẳng hạn, trong khi báo cáo về tình hình công tác tội phạm nói chung thì Chính phủ nhận định là các loại tội phạm tăng cả về số vụ lẫn mức độ nguy hiểm. Nhưng khi báo cáo về phòng chống tham nhũng thì Chính phủ lại nhìn nhận là số tội phạm giảm, số vụ phát hiện và xử lý cũng giảm. Đây là những nhận định cần được làm rõ.
Nói như Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, tình hình phòng chống tham nhũng vẫn chuyển biến chậm. Các biện pháp đưa ra chưa đạt hiệu quả cao.
“Khi lập ban chỉ đạo phòng chống thì ta đặt nhiều hy vọng. Nhưng đến nay đã phải xem lại vấn đề này. Cẩn thận với căn bệnh nhờn thuốc với tham nhũng khi nhiều nơi lại quen dần với tham nhũng, hối lộ”, ông Lý nói. Bởi, tham nhũng là một kẻ thù giấu mặt.
Đồng tình với các ý kiến phân tích trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng TTCP phải đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn. Phải đưa ra kế hoạch hành động thì tính chiến đấu mới rõ. “Vấn đề rất phức tạp, rất khó khăn, nhưng báo cáo của chúng ta lại cứ đều đều”, ông Hùng nói.
Báo cáo sẽ được hoàn thiện trước khi trình kỳ họp Quốc hội khai mạc cuối tháng này.
Lê Nhung

Đằng sau sự phá sản của 49.000 doanh nghiệp

(VEF.VN) - Khi không thể tiếp tục vay vốn, dự án dở dang sẽ nằm bất động. Trang thiết bị, máy móc cũng trở thành sắt vụn. Nếu phá sản, giải thể, sẽ có tác động lớn, đó là vốn vay ngân hàng sẽ khó có thể thu hồi.
Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 9 năm nay, có gần 49.000 DN đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, ngừng nộp thuế. Trong đó, phá sản, giải thể là 5.800 DN, khoảng 11.500 DN ngừng hoạt động và 31.500 DN ngừng nộp thuế.
Như vậy bình quân một quý có trên 12.000 DN giải thể, phá sản,ngừng hoạt động, ngừng nộp thuế. Với tốc độ này, dự báo cả năm 2011 số DN lâm vào tình trạng như trên có thể chiếm tới 10% trong tổng số 600.000 DN cả nước hiện nay.
Trong nền kinh tế thị trường, chuyện DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động là chuyện bình thường, nhưng khi DN lâm vào tình trạng này, những tác động mà nó gây ra cho xã hội không phải là nhỏ. Trước hết, một lượng lớn những người lao động sẽ bị nợ lương, nghỉ việc. DN thì nợ bảo hiểm xã hội, nợ tiền điện, viễn thông, nước, nợ ngân hàng...
Chẳng hạn, khi Công ty cổ phần Thép Vạn Lợi (Hải Phòng) phải ngừng sản xuất thời gian qua, thì hơn 2.000 lao động hiện không có việc làm, phải nghỉ việc, bị nợ lương. Vạn Lợi hiện đang nợ tiền điện hơn 11 tỷ đồng và nợ Bảo hiểm xã hội TP. Hải Phòng gần 7 tỷ đồng. Ngoài ra, DN này đang là con nợ của 6 tổ chức tín dụng, với nhiều món nợ xấu, giá trị lớn lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Đó là thực tế khác xa với tương lai của Vạn Lợi được "vẽ" ra hơn một năm trước. Thời điểm tháng 7/2010, trên sàn OTC, quy mô Vạn Lợi được "vẽ" với 14 doanh nghiệp thành viên, "doanh số khoảng 10.000 tỷ đồng/năm và sẽ đạt 1 tỷ đôla vào năm 2012".

Nhiều lao động sau khi mất việc sẽ phải vất vả kiếm sống (ảnh minh họa)
Số DN cho người lao động nghỉ việc, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội ngày càng tăng. Chỉ tính riêng trong ngành xây dựng đến tháng 6/2011đã có 1.118 lao động mất việc làm; 4.549 lao động không đủ việc làm. Đáng chú ý là có 66 doanh nghiệp nợ lương người lao động với tổng số tiền 134 tỷ đồng; 79 đơn vị nợ tiền bảo hiểm xã hội với tổng số tiền 85 tỷ đồng.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bình quân trước đây, mỗi năm có khoảng 5.000-7.000 doanh nghiệp phá sản, giải thể. Năm nay, ước khả năng con số này sẽ gấp rưỡi đến gấp đôi. Điều này cho thấy  tình hình "sức khỏe" của doanh nghiệp đang xấu đi, số phá sản giải thể vẫn tăng. Đây thực chất cũng có thể coi là sự thanh lọc nghiệt ngã sẽ diễn ra trên thương trường. Trong thời kỳ này, DN nào có năng lực cạnh tranh yếu, quản trị kém và trang thiết bị lạc hậu sẽ khó có thể tồn tại, dồn nguồn lực cho các DN có năng lực hơn.
Tuy nhiên, có một vấn đề làm nhiều người băn khoăn, đó là trong số các DN giải thể phá sản, ngừng hoạt động có không ít DN vay vốn đang đầu tư thì bị hạn mức tín dụng khống chế.
Do lạm phát tăng cao, từ đầu năm 2011, Chính phủ đã có chủ trương thắt chặt tín dụng. Hạn mức tín dụng cho phép trong năm 2011 tăng không quá 20%.  Nhiều DN mặc dù đã được các ngân hàng chấp thuận, phê duyệt cho vay vốn và đã được giải ngân một phần, đang thực hiện dở dang phải dừng lại do ngân hàng đã chạm ngưỡng hạn mức dẫn đến dự án bị ngưng trệ, đình đốn...
Với những DN này, khi không thể tiếp tục vay vốn, dự án dở dang sẽ nằm bất động. Trang thiết bị, máy móc cũng trở thành sắt vụn. Nếu phá sản, giải thể, sẽ có tác động lớn, đó là vốn vay ngân hàng sẽ khó có thể thu hồi.
Bên cạnh đó, điều đáng nói là hiện nay nhiều ngân hàng không dám siết nợ các DN. Tại Hải Phòng, các DN thép đang nợ ngân hàng khoảng 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến giờ ngân hàng cũng không dám làm căng với DN. Vì khi cho vay, công tác thẩm định hiệu quả dự án, thiết bị sản xuất nhập khẩu... có khi không kỹ lưỡng. Do đó, nhiều thiết bị lạc hậu, công suất thấp, tiêu hao lớn được đưa về với giá cao. Khi thị trường gặp khủng hoảng, người cho vay càng không dám thực hiện siết nợ. Vì nếu có làm thì cũng không biết bán dây chuyền ấy cho ai để thu hồi nợ!
Những khoản nợ này sẽ phải chuyển thành nợ xấu. Gánh nặng nợ xấu tăng sẽ liên quan đến sự an toàn của các ngân hàng và là " kẻ thù" của nền kinh tế.

Lộ diện những 'mắt xích' vụ vỡ nợ nghìn tỷ

Mặc dù cơ quan cảnh sát điều tra vẫn chưa có kết luận về con số thiệt hại, cũng như thủ đoạn trong vụ vỡ nợ mang tên “Nguyễn Thị Cúc”, nhưng căn cứ vào thông tin người dân, các chân “rết” chuyên gom tiền cho đường dây này đang dần hé mở.
Theo tài liệu ban đầu của Cơ quan CSĐT - Công an huyện Phú Xuyên, Hà Nội, thủ đoạn huy động tiền của Nguyễn Thị Cúc là vay tiền với lãi suất cao, trung bình khoảng 4,5 %/tháng.
Ban đầu, Cúc lấy lòng tin của những người bị hại bằng cách thể hiện thị là người giàu có, khoe khoang có nhiều nhà cửa đất đai. Có thời điểm, Cúc đến các cửa hàng vàng bạc để bán vàng với số lượng lớn. Cứ như vậy, Cúc đã làm cho nhiều người lóa mắt trước tài sản và tin vào uy tín của mình. Từ đó, Cúc tạo thành đường dây với nhiều cấp huy động vốn của nguời dân địa phương. Cúc vay của người này trả lãi cho người khác, khi không còn khả năng chi trả đã bỏ trốn dẫn đến vụ vỡ nợ với số tiền lên đến gần 300 tỷ đồng.
Hiện tại, cơ quan CSĐT đã nhận được đơn khiếu nại của một số người cho Cúc vay tiền. Căn cứ xác minh lời khai, chị Nguyễn Thị Hằng (SN 1972), ở Phú Gia, thị trấn Phú Minh. Chị Hằng cho biết, thời gian từ tháng 9, 10/2011 đã cho Phùng Thị Phương Anh, SN 1978, ở tiểu khu Phú Thịnh, thị trấn Phú Minh vay tổng số 4,85 tỷ đồng. Hiện nay, Phương Anh đã bỏ trốn.


Căn nhà của vợ chồng Cúc luôn đóng cửa
Ngoài ra, chị Hằng còn cho Nguyễn Thị Liên, SN 1974, ở Đề Thám, xã Văn Nhân vay 1,7 tỷ đồng. Tổng số chị Hằng cho Phương Anh và Liên vay là 6,55 tỷ đồng. Theo tố cáo, tổng số tiền ba bị hại bị chiếm đoạt là 17,1 tỷ đồng.
Đến nay Nguyễn Thị Cúc, Phùng Thị Phương Anh, Nguyễn Thị Liên không có khả năng trả nợ và đã trốn khỏi địa phương.
Theo tìm hiểu phóng viên tại địa bàn thị trấn Phú Minh, người dân sinh sống khu chợ Phú Minh trong nghi án vụ vỡ nợ nghìn tỷ có rất nhiều mắt xích quan trọng trong đó Phùng Thị Phương Anh và Nguyễn Thị Liên. Người dân chứng khiến Nguyễn Thị Cúc và Phùng Thị Phương Anh thường xuyên qua lại. Tại khu chợ, nhiều người dân đã gom tiền cho Phùng Thị Phương Anh vay. Sơ sơ theo nhẩm tính của người dân, tổng số tiền Phương Anh cầm của người dân có đến vài chục tỷ đồng.
Không chỉ có Phùng Thị Phương Anh, mà nhân vật có tên là Vinh – chuyên buôn bán gà vịt ở chợ cũng là một trong những chủ nợ của nhiều người với tổng số tiền vay mượn của nhiều người lên đến khoảng hơn 10 tỷ đồng.
Thông tin quan trọng mà người dân cho biết, hầu hết các đầu mối lớn cho Nguyễn Thị Cúc vay tiền đều là các chủ tiệm vàng lớn tại huyện Phú Xuyên trong đó có hai cửa hàng vàng lớn đã được báo chí phản ánh là Tiệm vàng Hồi Chè (thị trấn Phú Minh) và cửa hàng vàng Biển Nhưỡng (huyện Phú Xuyên)….
Bà Nguyễn Thị Biển (sinh năm 1951, trú tại xã Vạn Điểm, Thường Tín, Hà Nội) – chủ tiệm vàng Biển Nhưỡng cho biết, vài tuần trước Cúc có đến vay bà 2 tỷ đồng để đáo nợ ngân hàng.
Bình thường, Cúc vẫn vay tiền và trả lãi đầy đủ. Với vẻ ngoài giàu có của vợ chồng Cúc nên bà chủ quan không đề phòng thậm chí nhiều lúc giao tiền, vàng cũng không biên nhận.
“Nó bảo tôi cho cháu giật nóng mấy ngày rồi trả ngay. Có lần, Cúc còn vay vàng tôi rồi trả tiền sau. Lần này, nó vay vàng tôi đến hạn không thấy trả.” Bà Biển nói.
Theo nguồn tin cho biết, sơ bộ thống kê bước đầu thiệt hại lên khoảng 273 tỷ đồng. Trong đó, trường hợp của Nguyễn Thị Vinh, SN 1977, ở tiểu khu Đường, thị trấn Phú Minh cho vay khoảng 11 tỷ đồng. Phùng Thị Phương Anh, SN 1978, ở tiểu khu Phú Thịnh, thị trấn Phú Minh khoảng 72 tỷ đồng; Nguyễn Thị Hà, SN 1964, ở tiểu khu Phú Thịnh, thị trấn Phú Minh khoảng 20 tỷ đồng; Nguyễn Thị Bích Vân, SN 1978, ở tiểu khu cơ khí thị trấn Phú Minh khoảng 115 tỷ đồng; Phùng Văn Tuấn,ở tiểu khu Phú Thịnh khoảng 15 tỷ đồng và Nguyễn Thị Liên, SN 1974, ở Đề Thám, xã Văn Nhân khoảng 40 tỷ đồng. …
(Theo VnMedia)

Việt Nam - Trung Quốc ra tuyên bố chung


Ngày 15/10, tại thủ đô Bắc Kinh, Việt Nam và Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung về chuyến thăm chính thức CHND Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.
Sau đây là toàn văn Tuyên bố chung:
1. Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 10 năm 2011.
Trong thời gian chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Ðào; lần lượt hội kiến với Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Ðại hội Ðại biểu Nhân dân Toàn quốc Ngô Bang Quốc; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thủ tướng Quốc vụ viện Ôn Gia Bảo; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc Giả Khánh Lâm. Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện Lý Khắc Cường cũng đã tham gia các hoạt động liên quan. Trong bầu không khí chân thành, hữu nghị, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước; đi sâu trao đổi ý kiến về việc tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai Đảng, hai nước trong tình hình mới, cũng như về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, đạt được nhận thức chung rộng rãi. Ngoài Bắc Kinh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm tỉnh Quảng Đông.
Hai bên nhất trí cho rằng, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thành công tốt đẹp, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển ổn định, lành mạnh và đi vào chiều sâu, đồng thời có ảnh hưởng tích cực thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
2. Hai bên vui mừng trước những thành tựu mang tính lịch sử mà nhân dân hai nước, dưới sự lãnh đạo của hai Đảng Cộng sản, đã đạt được trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, trong đổi mới của Việt Nam và cải cách mở cửa của Trung Quốc. Phía Việt Nam nhiệt liệt chúc mừng 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc và sự mở đầu thuận lợi trong thực hiện Quy hoạch 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc; tin tưởng vững chắc Đảng Cộng sản Trung Quốc nhất định sẽ đoàn kết chặt chẽ và dẫn dắt nhân dân Trung Quốc thực hiện thắng lợi mục tiêu vĩ đại xây dựng toàn diện xã hội khá giả và đẩy nhanh hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Phía Trung Quốc chúc mừng thành công của Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam và tin tưởng vững chắc rằng, nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thực hiện thắng lợi những mục tiêu và nhiệm vụ mà Đại hội XI đã đề ra, xây dựng Việt Nam thành nước xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
3. Hai bên đã nhìn lại và tổng kết những thành tựu to lớn đã giành được trong quá trình phát triển quan hệ hai nước 61 năm qua kể từ khi Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt là 20 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ, và nhất trí cho rằng, quan hệ hai nước đã phát triển nhanh và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên nhấn mạnh tôn trọng lẫn nhau, hiểu biết lẫn nhau, ủng hộ lẫn nhau, tin cậy lẫn nhau, hợp tác với nhau là kinh nghiệm quan trọng cho quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh; khẳng định tình hữu nghị đời đời Việt - Trung là tài sản quý báu chung của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, cần được không ngừng củng cố, phát triển, truyền mãi cho các thế hệ mai sau.
Hai bên khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục kiên trì phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn toàn cục, sẽ tăng cường giao lưu hữu nghị giữa hai nước, mở rộng hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, trân trọng, giữ gìn, phát triển tốt quan hệ hai Đảng, hai nước Việt - Trung, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển một cách ổn định, lành mạnh, lâu dài.
Hai bên nhất trí cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến sâu sắc, phức tạp, việc hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hơn nữa sự tin cậy chiến lược, hợp tác chặt chẽ toàn diện, xử lý thỏa đáng các vấn đề còn tồn tại hay mới nảy sinh giữa hai nước, là phù hợp với lợi ích căn bản và lâu dài của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho sự nghiệp chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
4. Hai bên nhất trí áp dụng các biện pháp hữu hiệu, thiết thực để mở rộng toàn diện và đi sâu hợp tác hữu nghị trên các lĩnh vực giữa hai nước:
Một là, duy trì truyền thống tốt đẹp các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao thông qua các hình thức linh hoạt, đa dạng như thăm song phương, trao đổi qua đường dây nóng, gặp gỡ tại các diễn đàn đa phương, cử đặc phái viên…, kịp thời trao đổi ý kiến về tình hình quốc tế, khu vực và các vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương, tăng cường trao đổi chiến lược, nắm chắc phương hướng thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển lâu dài, lành mạnh, ổn định. Trong thời gian chuyến thăm, hai bên chính thức khai thông đường dây nóng giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Hai là, phát huy đầy đủ vai trò quan trọng của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc trong việc đi sâu hợp tác thực chất, thúc đẩy quan hệ song phương, tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo và quy hoạch chính sách đối với hợp tác trong các lĩnh vực, thúc đẩy tổng thể sự hợp tác, phối hợp xử lý vấn đề phát sinh, thúc đẩy hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực đạt thành quả phong phú hơn nữa, không ngừng làm phong phú nội hàm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện hai nước.
Ba là, thắt chặt giao lưu hợp tác giữa hai Đảng, thực hiện có hiệu quả “Kế hoạch hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2011-2015”. Tổ chức tốt Hội thảo lý luận giữa hai Đảng, tăng cường trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng, quản lý đất nước; mở rộng và đi sâu hợp tác đào tạo cán bộ Đảng, chính quyền; tổ chức các cuộc gặp gỡ cấp Trưởng Ban theo cơ chế giao lưu, hợp tác giữa hai Ban Đối ngoại và hai Ban Tuyên truyền hai Đảng vào thời điểm thích hợp.
Bốn là, đi sâu hợp tác giữa hai quân đội, tăng cường tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao quân đội hai nước; tiếp tục tổ chức tốt Đối thoại Chiến lược cấp Thứ trưởng Quốc phòng; thúc đẩy thiết lập đường dây điện thoại trực tiếp giữa hai Bộ Quốc phòng hai nước; tăng cường hợp tác đào tạo cán bộ và giao lưu sĩ quan trẻ; triển khai thí điểm tuần tra chung biên giới đất liền vào thời điểm thích hợp; tiếp tục tổ chức tuần tra chung giữa hải quân hai nước trong Vịnh Bắc Bộ; tăng cường hợp tác trong các mặt như tàu hải quân hai nước thăm nhau.
Năm là, đi sâu hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thi hành pháp luật và an ninh; tổ chức tốt Hội nghị cấp Bộ trưởng Hợp tác phòng chống tội phạm lần thứ 3 giữa hai Bộ Công an hai nước; thúc đẩy triển khai các hoạt động chung chống xuất nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới; tăng cường phối hợp có hiệu quả trong các lĩnh vực phòng chống tội phạm kiểu mới như tấn công tội phạm lừa đảo viễn thông. Tăng cường giao lưu và hợp tác giữa các cơ quan như tòa án, viện kiểm sát, công an, hành chính tư pháp; cùng phòng ngừa và tấn công các hoạt động vi phạm pháp luật, tội phạm xuyên biên giới; tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong việc giữ gìn ổn định trong nước của mình.
Sáu là, tăng cường và mở rộng hợp tác thiết thực giữa hai nước theo các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, chú trọng hiệu quả thực tế, bổ sung thế mạnh lẫn nhau, bằng nhiều hình thức đa dạng, cùng nhau phát triển:
- Phát huy đầy đủ vai trò của Ủy ban hợp tác kinh tế - thương mại, Ủy ban liên hợp hợp tác khoa học kỹ thuật giữa Chính phủ hai nước trong việc chỉ đạo, điều phối tổng thể, đôn đốc thực hiện hợp tác thiết thực giữa hai nước trong các lĩnh vực liên quan. Thực hiện tốt “Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Trung Quốc” vừa được ký kết trong chuyến thăm này.
- Tích cực thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng, nông lâm nghiệp, giao thông, điện lực, công nghệ thông tin, khoáng sản, năng lượng, du lịch..., tăng cường trao đổi về thúc đẩy cân bằng thương mại song phương, khuyến khích và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp của hai nước mở rộng hợp tác lâu dài cùng có lợi, xây dựng khu hợp tác kinh tế biên giới và hợp tác “hai hành lang, một vành đai”...
- Tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như khoa học kỹ thuật, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, văn hóa, y tế, thể thao, báo chí… Tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, quản lý nguồn nước và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện tốt “Thỏa thuận trao đổi giáo dục 2011 - 2015”, mở rộng số lượng lưu học sinh cử sang nhau.
- Tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động giao lưu nhân dân, như Diễn đàn Nhân dân Việt - Trung, Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt - Trung, đẩy mạnh tuyên truyền tình hữu nghị Việt - Trung, tăng cường định hướng dư luận và quản lý báo chí, thúc đẩy tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, giữ gìn đại cục quan hệ hữu nghị hai nước, làm cho tình hữu nghị Việt - Trung được kế thừa và phát huy rạng rỡ.
- Mở rộng hơn nữa sự giao lưu, hợp tác giữa các địa phương hai nước, nhất là các tỉnh giáp biển, giáp biên giới của hai nước như Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu của Việt Nam với Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam, Hải Nam của Trung Quốc.
- Tiếp tục thực hiện tốt các văn kiện có liên quan đến biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, “Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ” và “Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ”; tích cực tìm tòi mô hình mới trong kiểm tra liên hợp khu vực đánh cá chung ở Vịnh Bắc Bộ; thúc đẩy thiết lập đường dây nóng liên lạc giữa cơ quan ngư nghiệp hai nước.
- Đẩy nhanh tiến trình đàm phán, sớm ký kết “Hiệp định tàu thuyền qua lại tự do khu vực cửa sông Bắc Luân” và “Hiệp định hợp tác khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch khu vực thác Bản Giốc”, cùng nhau duy trì ổn định và phát triển ở khu vực biên giới.
Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký “Kế hoạch hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc (2011-2015)”, “Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế - thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 2012 - 2016”, “Thỏa thuận trao đổi giáo dục 2011 - 2015 giữa Bộ Giáo dục - Đào tạo nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Giáo dục nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, “Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc về sửa đổi Hiệp định vận tải ôtô giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc”, “Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc về thực hiện Hiệp định vận tải ôtô giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc”, “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
5. Hai bên đã trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển; nhấn mạnh ý chí và quyết tâm chính trị thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị để giải quyết tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định tại Biển Đông; cho rằng điều này phù hợp với lợi ích căn bản của hai nước và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực. Lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên về vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, từ tầm cao chính trị và chiến lược, kịp thời chỉ đạo xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển.
Hai bên đánh giá tích cực việc hai nước ký kết “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển”; cho rằng việc ký kết Thỏa thuận này có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng đối với việc xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, sẽ cùng nỗ lực thực hiện nghiêm chỉnh Thỏa thuận này.
Căn cứ vào nhận thức chung đã có giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển”, hai bên đẩy mạnh đàm phán vấn đề trên biển, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, đồng thời tích cực trao đổi tìm kiếm giải pháp có tính quá độ, tạm thời, không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và trao đổi về vấn đề hợp tác cùng phát triển.
Hai bên thúc đẩy vững chắc đàm phán phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực trao đổi về vấn đề hợp tác cùng phát triển ở khu vực này. Hai bên tích cực thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, thăm dò khai thác dầu khí, phòng chống thiên tai…
Trước khi giải quyết dứt điểm tranh chấp trên biển, hai bên cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không áp dụng hành động làm phức tạp hoá hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước, xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng, hai nước và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
6. Phía Việt Nam khẳng định thực hiện nhất quán chính sách một nước Trung Quốc, ủng hộ quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan phát triển hòa bình và sự nghiệp lớn thống nhất Trung Quốc, kiên quyết phản đối hành động chia rẽ “Đài Loan độc lập” dưới mọi hình thức. Việt Nam không phát triển bất cứ quan hệ chính thức nào với Đài Loan. Phía Trung Quốc bày tỏ hoan nghênh lập trường trên của phía Việt Nam.
7. Hai bên khẳng định tiếp tục mở rộng giao lưu và hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao hai nước, tổ chức tốt trao đổi chính trị giữa Bộ Ngoại giao hai nước, tăng cường trao đổi và hợp tác tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng…, cùng giữ gìn và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và phồn vinh của khu vực và thế giới.
8. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chân thành cảm ơn Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào và Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính phủ, nhân dân Trung Quốc về sự đón tiếp trọng thị, nhiệt tình và hữu nghị. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào sớm sang thăm lại Việt Nam. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào bày tỏ cảm ơn về lời mời.
TTXVN

Những lương y xem nhẹ chiếc phong bì

Trong khi "lót tay" đã trở thành một thủ tục ở nhiều bệnh viện thì vẫn còn những cơ sở y tế mà người thày thuốc ở đó làm việc thực sự bằng cái tâm, dù đời sống của họ còn chật vật. 


Các bác sĩ, y tá Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đang thăm khám cho bệnh nhân nặng. Ảnh: Minh Thùy.
Đưa mẹ vào Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai điều trị vì cụ bị tràn dịch màng phổi, chị Nhan (xã Đồng Tâm, Ninh Giang, Hải Dương) tìm tới đưa phong bì cho bác sĩ điều trị nhưng bị từ chối thẳng thắn.
"Bác ấy bảo, nếu mình có ý tốt thì cứ để khi mẹ khỏi, mang tới tặng giữa phòng, trước mặt mọi người, bác sẽ nhận ngay. Mình thực sự cảm động”, chị Nhan kể. Chị cho biết, hiện mẹ chị nằm trong phòng hồi sức cấp cứu, phải thở máy và được các y bác sĩ đến kiểm tra, chăm sóc tận tình.
Cũng tại Trung tâm chống độc, chị Mai (Đông Triều, Quảng Ninh) đi chăm chồng bị rắn cắn nằm điều trị nửa tháng, nay muốn biếu chút tiền cho bác sĩ, nhưng hỏi những người đã nằm viện từ trước, ai cũng bảo chị không nên, vì sẽ chẳng ai nhận.
"Từ đó đến nay, thấy không ai đưa nên em cũng thôi, với lại em thấy các bác ở đây rất nhiệt tình, dù ngày hay đêm, bất cứ khi nào cần, gọi là có ngay", chị Mai thổ lộ.
Tiến sĩ Phạm Duệ, Giám đốc trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đội ngũ y bác sĩ ở đây đã thực hiện nghiêm túc với "nói không với phong bì" từ nhiều năm trước, tất nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ khi bệnh nhân bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn.
Chỉ tay về phía chiếc bàn họp có đủ cả sữa chua, hoa quả và bánh, tiến sĩ Duệ cho biết, đây là quà của bệnh nhân vừa ra viện. "Đấy, nhiều khi không nhận phong bì cũng hóa gây phiền cho người bệnh vì họ lại phải chạy đi mua những thứ khác để cám ơn”, ông nói.
Ông cho rằng, phong bì có nhiều loại. "Có những người vừa đưa xong là quay ra chửi sau lưng bác sĩ, phong bì ấy ai muốn nhận?". Ông tâm sự có nhiều người nhà bệnh nhân vào phòng riêng của ông rồi nhất định giúi tiền, từ chối không được, có khi phải cáu, quát mới cầm lại, đi ra. Cũng có những y bác sĩ ở trung tâm từ chối phong bì của bệnh nhân mãi không được, phải dẫn vào phòng giám đốc xin ý kiến.
Trìu mến gọi Khoa thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai là "tổ ấm", nhiều bệnh nhân nghèo của khoa này cho biết, họ coi các bác sĩ như người thân và ngược lại.
Điều trị suy thận mãn đã 13 năm, anh Phương (40 tuổi) ở Yên Mỹ, Hưng Yên cho biết, anh gặp các bác sĩ nhiều hơn bố mẹ, người thân vì mỗi tuần phải chạy thận 3 lần, mỗi lần 4 tiếng, và hai bên hiểu hết về nhau.
“Bố mẹ ở quê thì già rồi, mình ngoài lúc chữa bệnh thì chạy xe ôm, nhặt rác kiếm tiền trả viện. Thấy các bác vô cùng nhiệt tình, quá tốt, mình cũng muốn có chút cảm ơn, nhưng lấy đâu ra. Mà nói thật, có đưa tiền thì thể nào cũng bị các bác mắng thêm", anh bộc bạch.
Các bệnh nhân khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai luôn trân trọng trước thái độ làm việc vô tư, nhiệt tình của các bác sĩ. Ảnh: Minh Thùy.
Tiến sĩ Nguyễn Cao Luận, trưởng khoa thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ khi thành lập (1972) đến nay, khoa luôn xác định "không để bệnh nhân nghèo chết" và càng không thể lấy thêm tiền của họ.
Phần lớn bệnh nhân của khoa thận nhân tạo là người nghèo, trong khi chi phí chữa bệnh của họ lại cao. Vì thế, bệnh viện có riêng chính sách miễn giảm chi phí cho những trường hợp khó khăn, đồng thời các bác sĩ trong khoa cũng thường xuyên kêu gọi các nhà tài trợ giúp đỡ. Nhiều người bệnh không có tiền nhờ đó mà duy trì cuộc sống được lâu hơn.
"Thật ra, mỗi lần đưa bệnh án cho mình duyệt, hầu như ai cũng kẹp theo một phong bì, một ngày ít cũng 1-3 cái. Mình không lấy, họ vẫn cố đưa, tới lúc mình phải hỏi ‘bác giàu hay nghèo’, rồi bảo họ giữ lấy còn chữa bệnh lâu dài, ăn uống... mới thôi", bác sĩ Luận tâm sự.
Tuy nhiên, nói không với phong bì cũng là một cuộc đấu tranh của người thày thuốc.
"Lương bác sĩ theo ngạch nhà nước mỗi tháng tầm hơn 3 triệu, nếu nhận phong bì của bệnh nhân, chỉ cần 10 người đã có thể được 3 triệu. Một năm có khoảng 2.000 người điều trị tại đây, muốn được đút tiền là có ngay, chỉ cần lơ đi chút, không cho thuốc, tỏ thái độ... Nhưng làm thế là thất đức", tiến sĩ Phạm Duệ chia sẻ.
Ông cho biết, bản thân ông cũng nhiều lần phải chần chừ trước chiếc phong bì khi "con đang thiếu tiền đóng học, mình thì thỉnh thoảng lại được hỏi "Sao mày cứ giả nghèo giả khổ" vì ròng rã mấy năm trên chiếc cup 81 cũ, rồi bố, mẹ, vợ con chịu khổ. Nhưng lương tâm và sự tự ái của người thày thuốc vẫn thắng.
Là một đơn vị nhận được rất nhiều ghi nhận tích cực của bệnh nhân, các bác sĩ Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới Quốc gia cũng phải vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống đời thường để vững tâm làm nhiệm vụ. Nhiều người, sau khi từ chối những chiếc phong bì của bệnh nhân, phải tìm nhiều cách khác mưu sinh, trong lúc đồng lương không đảm bảo cuộc sống.
Bác sĩ Vũ Đình Phú, phó khoa Cấp cứu tích cực, Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới Quốc gia. Ảnh: Minh Thùy.
Theo thạc sĩ Vũ Đình Phú, phó khoa Cấp cứu tích cực, làm trong môi trường cấp cứu không thể gây nhũng nhiễu cho bệnh nhân, không ai có thể chần chừ lưỡng lự khi thăm khám cho những người đang mấp mé bên bờ vực giữa sự sống và cái chết, có khi, chỉ cần chậm vài phút là mất đi một sinh mạng.
Anh Phú cho biết, tại nơi anh làm việc, hầu như không ai từng nhận phong bì của bệnh nhân, có chăng là một vài tấm lòng cảm ơn khi họ đã được cứu sống. "Cái lớn nhất chúng mình nhận được chính là những thành quả của lao động, đó là sinh mạng, sức khỏe của người bệnh", bác sĩ nói.
Bản thân anh, sau 14 năm ra trường, vẫn chỉ có mức lương hệ số 3,67 với thu nhập eo hẹp. "Cũng may hai vợ chồng mình đều đi làm, lại chỉ có một con nên đủ sống, chỉ không có tích lũy thôi. Nhà thì được hưởng lại từ cha ông nên cũng đỡ một khoản lo", anh Phú chia sẻ.
Anh cho biết, ngoài khám, chữa cho bệnh nhân, cũng như các bác sĩ trong khoa, anh phải tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học, rồi đi tuyến dưới theo đề án tăng cường y tế cơ sở của Bộ Y tế...
"Ai đi làm cũng mong có thu nhập đảm bảo cuộc sống. Nhưng trong điều kiện nhà nước và hệ thống của mình bây giờ, phải biết chấp nhận. Đồng lương của mình ít nhưng vẫn nhiều hơn người nông dân, họ sống được, mình cũng sống được, liệu cơm mà gắp mắm thôi”, người bác sĩ gày gò thổ lộ.
Anh cho biết, nhiều đồng nghiệp của mình phải đi làm thêm.
Chẳng hạn, bác sĩ Đinh Công Tiến, Khoa Cấp cứu tích cực, đã tốt nghiệp đại học 12 năm và gắn bó với khoa hơn 4 năm. Mỗi tháng anh lĩnh hơn 2 triệu từ lương nhà nước, cộng thêm hơn một triệu phụ cấp của bệnh viện và khoảng 200 nghìn tiền trực 4 đêm một tháng, tổng cộng thu nhập khoảng trên 4 triệu đồng. Để đảm bảo cuộc sống gia đình, cuối tuần anh lại đi làm thêm (siêu âm) cho một phòng khám tư trên đường Nguyễn Khuyến, và kiếm được 400.000 đồng mỗi ngày.
“Vất vả lắm chứ, nhưng lòng mình thanh thản, vì đó là đồng tiền do mình lao động chân chính mà ra”, bác sĩ Tiến chia sẻ.
Theo tiến sĩ Nguyễn Cao Luận, để chấm dứt hẳn nạn phong bì, người đầu tiên cần nói không là bệnh nhân: “Nếu mọi người đều kiên quyết không phong bì, những anh nhũng nhiễu sẽ lòi ra và bị xử lý nặng”. Còn các y bác sĩ cũng cần đảm bảo đời sống để chuyên tâm với công việc.
Tại khoa thận nhân tạo, để cải thiện thu nhập cho nhân viên, khoa đã thực hiện theo chủ trương khoán, ký quỹ của bệnh viện, từ đó lấy thu bù chi, đồng thời tiết kiệm, chống thất thoát, mở ra các dịch vụ tăng nguồn thu, cải tiến kỹ thuật...
Tương tự, tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, tiến sĩ Phạm Duệ cho biết, để đảm bảo đời sống nhân viên, ngoài những cách trên, trung tâm tạo điều kiện cho các bác sĩ trong khoa làm thêm, tăng thu nhập bằng cách ký hợp đồng khám chữa, tư vấn với các đơn vị khác...
Chia sẻ trên Vnexpress.net, độc giả Đỗ Văn Hùng cho biết, năm 2010, khi đưa mẹ đi mổ thoát vị đĩa đệm cột sống tại Khoa phẫu thuật cột sống - Bệnh viện Việt Đức, anh có đưa phong bì cho các y bác sĩ khi làm các thủ tục... nhưng tuyệt nhiên không ai nhận và mẹ anh vẫn được xếp lịch mổ như những người khác.
Mẹ anh được bác sĩ Nguyễn Văn Thạch (trưởng khoa) mổ và ca mổ đã thành công tốt đẹp. Khi mẹ xuất viện, anh tìm bác sĩ Thạch để cám ơn và gửi một chiếc "phong bì". Bác sĩ Thạch thay mặt thay mặt khoa cám ơn gia đình và gọi một cô hộ lý vào và bảo cô bóc phòng bì, nhận tiền của anh và ghi số tiền vào sổ của khoa.
"Tôi thấy đây là một cách làm các khoa khác, bệnh viện khác nên học tập. Khoa nhận phong bì một cách công khai minh bạch do người nhà bệnh nhân tự nguyện cám ơn sau khi mọi việc đã tốt đẹp để đưa vào quỹ của khoa và sau này chi thưởng, lễ, tết... cho cán bộ nhân viên trong khoa. Hành động này hoàn toàn chính đáng".
Minh Thùy

 Theo VNExpress

11/10/11

Thế và lực của Việt Nam trên biển


Trong bài “Việt Nam trước hình thái chiến tranh mới” với cái suy luận của lão nông chất phác, thấy sao nói vậy về đối tượng tác chiến của HQNDVN là ai. Vấn đề tiếp theo là so sánh thế và lực của hai bên ra sao, nếu như họ tấn công (nôm na so sánh lực lượng mạnh yếu) để từ đó hạ quyết tâm: Xin hàng. Hoặc nếu “Bệ hạ muốn hàng hãy chém đầu thần trước”. Không sợ, dám đánh, có cách đánh và quyết thắng.
Có một điều mà lịch sử luôn lặp đi lặp lại: Đối tượng tác chiến của Việt Nam trong chiến tranh bao giờ cũng hùng mạnh, và Việt Nam cuối cùng… vẫn thắng.
Tại sao đối phương lúc nào cũng có lực lượng hùng mạnh mà lúc nào cũng cứ thua không sớm thì muộn? Vậy điều gì xảy ra ở đây? Câu trả lời: Việt Nam không chỉ đánh giặc bằng “Dũng” mà còn phải đánh bằng “Trí”. Trí dũng song toàn. “Trí” ở đây là nghệ thuật quân sự độc đáo, đánh bằng mưu, kế; thắng bằng thế, thời. Còn dàn quân ra mà nghênh chiến với những lực lượng đó thì như Tướng Giáp từng nói với McNamara … “quân đội VN mà dàn quân ra nghênh chiến với Mỹ thì không chịu nổi 1 tuần”.
Mưu là lừa địch, đánh vào chỗ yếu, chỗ sơ hở, chỗ ít phòng bị của địch làm cho chúng lúng túng, bị động dẫn đến vỡ trận.
Kế là điều địch theo ý định của ta, giành quyền chủ động, buộc địch phải đánh theo cách ta lựa chọn.
“Thế” trong nghệ thuật quân sự là tình thế, thế nước, thế trận, thế bố trí lực lượng trên địa hình địa lý. Thế lấy lực làm cơ sở, do lực quyết định, nhưng thế lợi, thế hiểm thì biến lực nhỏ thành lớn và ngược lại một lực lớn nhưng ở vào thế bất lợi, mất thế thì bị suy yếu.
Hiện nay Việt Nam ở vào tình thế (bối cảnh trong khu vực và thế giới) rất có lợi, hoàn toàn ngược lại với năm 1979. Thế nước thì ổn định, phát triển. Nhân dân Việt Nam hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng CSVN – Tổ chức đầy bản lĩnh, dày dạn kinh nghiệm trong chiến tranh giữ nước. Nói thật cho đến bây giờ và ít ra vài thập niên nữa sẽ không có một tổ chức nào đủ tâm và đủ tầm ngoại trừ Đảng CSVN làm tròn sứ mạng này.
(Nếu muốn xóa sổ cái tổ chức này thì xin hãy khoan, chờ đến lúc nước nhà yên ổn với ông hàng xóm rồi có sức hãy xóa cũng chưa muộn)
Nếu hải chiến xảy ra, đôi bên dứt khoát sẽ phải tác chiến với 5 hình thức sau:
  1. Các đòn tấn công tiêu diệt các căn cứ trên bờ bằng pháo hạm, tên lửa (chủ đạo).
  2. Tìm diệt các loại tàu ngầm.
  3. Tìm diệt các tàu chiến mặt nước.
  4. Tìm diệt các tàu vận tải, cắt đứt tuyến vận tải.
  5. Phòng thủ bờ biển, đảo, bảo vệ các căn cứ quân sự, kinh tế quan trọng và hệ thống thông tin liên lạc.
Với cơ sở lí luận như trên, so sánh thế và lực của Việt Nam trên biển với Trung Quốc trong hoạt động tác chiến thứ nhất ta thấy rõ ràng về lực lượng Trung Quốc vượt trội, họ có nhiều tàu ngầm, tàu chiến to và hiện đại. trên bờ thì có nhiều tên lửa tầm xa, tầm gần. Do đó chỉ cần ấn nút thì loạt đầu cũng đã có hàng ngàn quả tên lửa các loại bay vào lãnh hải, lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên cũng không đáng ngại vì mức độ khủng khiếp chưa thấm vào đâu so với Hạm đội 7 và Không lực Mỹ đã từng dội xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác. Và nếu nói rằng với loạt đầu tiên sẽ làm cho hệ thống phòng thủ của Việt Nam bị tê liệt hoàn toàn thì e quá sớm.
Sĩ quan Hạm đội 7 Mỹ sau khi ấn nút xong thì tay mở rượu Uých ki, tay ôm gái khiêu vũ; Phi công B52 sau khi rải hàng ngàn tấn bom mà thoát lưới lửa hạ cánh xuống Guam là có quyền ôm vợ, bật TV xem chiến sự, thậm chí phóng xe đến sân xem trận bóng bầu dục… vì họ biết Việt Nam chưa đủ khả năng giáng trả đến nước Mỹ. Nhưng sự kiện 2 chiếc pháo đài bay B52 ở căn cứ Utapao-Thái Lan của Mỹ cũng bị đặc công Việt Nam làm tan xác đã nói lên một thông điệp rằng sẵn sàng giáng trả vào sào huyệt của đối phương không phải là ý tưởng quá mới mẻ trong giới quân sự Việt Nam.
Trung Quốc thì khác Mỹ, ấn nút xong thì không thể bật rượu Mao Đài hảo lớ hảo lớ được đâu. Hàng ngàn quả tên lửa bay sang VN thì ít ra cũng có hàng trăm quả tên lửa từ Việt Nam bay sang chỗ họ. Các chính khách, học giả nói trên có biết chắc tên lửa Việt Nam có loại nào có tầm bắn đủ để lao vào phòng ngủ của mình ở Bắc Kinh không? Tuy nhiên 1 trăm hay 1 vạn quả của Việt Nam cũng chẳng là gì với Trung Quốc, cái nguy hiểm và khủng khiếp nó không nằm ở đó mà ở chỗ nó kích nổ các quả bom cực lớn khác, lớn hơn bom nguyên tử, trong nội địa Trung Quốc đang chờ phát nổ. Như vậy nếu chỉ xét việc phóng tên lửa qua nhau thôi tức tên lửa đất đối đất thì Việt Nam vẫn ở trong thế có lợi, thế hiểm. Thế này giống như “điểm tựa” mà Acsimet cần để “bẩy quả đất”. Ngày nay một điều khẳng định chắc chắn là Việt Nam không ít thì nhiều cũng có thứ với tới được Trung Quốc trên đất liền (dĩ nhiên rồi) và cả trên biển.
Trên biển, quả thật nếu dàn trận để hải chiến thì e rằng Việt Nam khó có thể chịu được vài trận bởi tàu chiến của Trung Quốc quá hiện đại. Với công nghệ cao thì không thể có một quả tên lửa, ngư lôi, máy bay nào… từ đâu đến mà không bị diệt. Với tính năng kỹ chiến thuật như vậy thì quả là những chiến hạm bất khả xâm phạm. Nhưng thực tế lại không cho nó “tròn trịa” như vậy. Một phương châm mà giới quân sự Việt Nam luôn nghiên cứu kỹ và hành động là: “Nếu những gì công nghệ không làm được thì chiến thuật làm được”. Việt Nam, công nghệ quân sự không đủ hiện đại, tiên tiến tương xứng để xé toạc lá chắn phòng thủ của những chiến hạm kia thì từ thế trận chiến tranh nhân dân, từ thế địa lý bờ biển, bằng nhiều lối đánh độc đáo (chiến thuật) sẽ thừa sức đánh tiêu diệt chúng. Trong bài “Việt Nam trước hình thái chiến tranh mới” tôi đã từng nêu một trong những lối đánh sở trường của Hải quân VN là cơ động nhanh, bí mật, tập kích bất ngờ với các đòn dồn dập, nhiều hướng, nhiều chiều, nhiều phương tiện hỏa lực vào một mục tiêu làm cho đối phương lùng túng, rối loạn dễ bị tiêu diệt hoặc bị thiệt hại nặng nề. Nhưng lối đánh này liên quan mật thiết với thế địa lý, thế biển. Thế này cũng như thế trận chiến tranh nhân dân là nguồn gốc, hỗ trợ cho lối đánh làm tăng gấp bội lực, một địch muôn người. Nếu trên đất liền, cha ông ta đã tìm ra được ải Chi Lăng; Rạch Gầm–Xoài Mút; sông Bạch Đằng… thì ngày nay Bộ Tham mưu HQVN cũng không khó khăn gì để thấy những thế đó trên bờ biển… Vài chiếc xuồng phóng tên lửa, phóng lôi tốc độ cao ở đâu đó trên bờ biển, hải đảo; vài chiếc máy bay cũ kỹ từ những sân bay dã chiến (chỉ dùng cất cánh) ở đất liền… là có thể tạo nên một trận tập kích bất ngờ theo ý muốn.
Vậy Trung Quốc có lợi thế gì? Do chủ động gây chiến nên họ có thế bất ngờ, luôn chủ động chọn lựa mục tiêu; lực lượng họ vượt trội nên họ có thế tấn công áp đảo, có khả năng làm đối phương tê liệt hoặc thiệt hại nặng bởi đòn phủ đầu. Tất nhiên những gì mà là lợi thế của Việt Nam thì Trung Quốc sẽ ngược lại, thất thế. Trung Quốc không thể sử dụng lực lượng và lối đánh giống Việt Nam dù muốn. Đặc biệt, Trung Quốc hay nước nào mang quân đi gây chiến cũng vậy, muốn đánh nhanh, chớp nhoáng để thắng nhanh nhưng khi không thể thì bắt buộc phải kéo dài, dằng co thì ngay về chiến lược cũng đã tự mâu thuẫn rồi, do đó lợi thế cũng mất dần vào tay đối phương…
Do trong khuôn khổ một bài viết thì không thể đánh giá tiếp tương quan thế và lực của Việt Nam và Trung Quốc trong các hình thái tác chiến tiếp theo, nếu ai có quan tâm đến đất nước thì tiếp tục. Nhưng chỉ cần đến thế cũng có thể nói: Không sợ, đánh được, có cách đánh và sẽ thắng. Nói như thế không có nghĩa là Hải quân Trung Quốc thế và lực trên biển Đông yếu, Mỹ cũng chưa dám coi thường nữa là Việt Nam. Không tin thì Việt Nam thử đưa Hải quân sang xâm chiếm lãnh hải của Trung Quốc xem. Vấn đề đặt ra ở đây chỉ là nếu Trung Quốc dùng Hải quân xâm chiếm biển của Việt Nam mà thôi. Còn nếu bệ hạ muốn hàng thì thần…dân coi như không viết bài này.
Tuy nhiên chiến tranh, thực chất là sự tranh dành lợi ích. Khi không có hoặc có ít thì không dại gì gây chiến tranh vì chiến tranh không phải trò đùa đâu mấy ông học giả, chính khách ạ. Chết chóc, tang thương lắm. Chắc lẽ các vị con cháu đã định cư sang Úc, Canada, Mỹ nên mới hò hét hiếu chiến, vô tâm, vô cảm, vô đạo đức, vô nhân đạo vậy chứ, đúng không?
Năm 1979 Trung Quốc tấn công Việt Nam để chứng tỏ với Mỹ và phương Tây là Trung Quốc không giống Việt Nam, hãy để Trung Quốc yên ổn làm ăn. Ngày nay mục đích tấn công Việt Nam không rõ ràng, lợi ích kinh tế, chính trị không đủ ảnh hưởng nhiều đến đất nước thì sẽ chẳng có cuộc tấn công nào trong tương lai gần. Hòa bình vẫn là xu hướng chính cho cả 2 dân tộc.

Lê Ngọc Thống