9/10/11

Vì sao Trung Quốc và Nga ngăn can thiệp vào Syria


Mối lo ngại về chính trị và ngoại giao khiến Trung Quốc và Nga bỏ phiếu chống lại nghị quyết về Syria, dẫn đến chia rẽ trong Hội đồng Bảo an và giúp chế độ Assad tạm tránh được vết xe đổ như chế độ Gadhafi tại Libya.

Biểu tình phản đối chế độ Bashar al-Assad của Syria. Ảnh: Telegraph.
Dự thảo nghị quyết trên nhận được sự đề xuất và ủng hộ từ Anh, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha và Mỹ và theo giới ngoại giao văn bản này đã được soạn thảo cẩn thận nhằm giảm mối lo ngại của Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, cuối cùng nghị quyết vẫn không thể thuyết phục được hai thành viên thường trực Hội đồng Bảo an và đây được coi là một thất bại rõ như ban ngày của ngoại giao phương Tây.Lá phiếu phủ quyết của Trung Quốc và Nga, hai thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, về nghị quyết mạnh tay đối với Syria đã khiến nỗ lực của phương Tây dàn xếp sự ủng hộ của quốc tế để can thiệp vào nước này nhằm thay chế độ Bashar al-Assad bị thất bại. Đây cũng là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh và Matxcơva vốn không ủng hộ Liên Hợp Quốc mạnh tay với chính quyền Syria đang ngày càng cứng rắn hơn.
Phiên bỏ phiếu cũng cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong Hội đồng Bảo an khi có hai nước phản đối và 4 nước là Brazil, Ấn Độ, Nam Phi và Libăng bỏ phiếu trắng. Diễn biến này dẫn đến nhận định thời của việc ra nghị quyết chóng vánh kiểu như nghị quyết số 1973 của Hội đồng Bảo an cho phép can thiệp vào Libya hồi tháng 3 vừa qua đã qua.
Trường hợp Libya có thể là nguyên nhân khiến Trung Quốc và Nga quyết định bỏ phiếu chống nghị quyết về Syria, thay cho giải pháp “mũ ni che tai” là lá phiếu trắng như trong cuộc bỏ phiếu về Libya trước đây. Hai nước này vốn không ủng hộ can thiệp quân sự vào Libya nhưng không phản đối bằng hành động cụ thể, nên đã mở đường cho phương Tây can thiệp quân sự dẫn đến sự thay đổi chế độ tại Libya.
Sau sự kiện trên, cả Bắc Kinh và Matxcơva đều có dấu hiệu chỉ trích phương Tây lợi dụng nghị quyết Liên Hợp Quốc về bảo vệ thường dân để can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến ở Libya. Do đó họ tìm cách không để nghị quyết tương tự được thông qua và đó là nguyên nhân dẫn đến hai lá phiếu phủ quyết chứ không phải phiếu trắng về Syria.
Nghị quyết về Syria được cho là không dẫn đến bất cứ hành động can thiệp quân sự nào, nhưng đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin nhấn mạnh rằng mục đích của văn bản này là dẫn đến sự thay đổi chế độ do Tổng thống Bashar al-Assad đứng đầu tại Syria. Bản thân nhiều chính phủ phương Tây trước đó cũng nêu rõ mong muốn ông Assad phải ra đi.
Một lý do khác cũng có thể khiến Trung Quốc và Nga quyết định bác bỏ nghị quyết về Syria là mối lo ngại một ngày nào đó văn bản này sẽ chống lại trực tiếp đến lợi ích của họ. Hai nước vốn có quan hệ chặt chẽ với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, đặc biệt là Nga vốn có nhiều lợi ích về quân sự và kinh tế tại Syria.
Nga vẫn đang tiếp tục bán vũ khí cho Syria kể cả trong bối cảnh chế độ Assad bị chỉ trích gay gắt vì hành động mạnh tay với người biểu tình. Cuối tháng trước, một chiến hạm Nga đã thăm cảng Tartus của Syria trên đường về nước sau khi được triển khai chống cướp biển tại Biển Đỏ. Điều này gợi nhắc Tartus là căn cứ hải quân duy nhất của Nga đặt bên ngoài lãnh thổ Liên Xô cũ.
Như vậy mối lo ngại về chính trị, chiến lược và ngoại giao là lý do để giải thích việc Trung Quốc và Nga bỏ phiếu chống nghị quyết về Syria. Động thái này dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc và cáo buộc lẫn nhau trong nội bộ Hội đồng Bảo an. Người đầu tiên khởi động quá trình hậu bỏ phiếu không mấy dễ chịu này là đại sứ Mỹ Susan Rice, người đã bước ra khỏi phòng họp khi đặc sứ của Syria chỉ trích Washington.
BBC dẫn lời đại diện của Mỹ tại Liên Hợp Quốc Susan Rice cho biết nước này cảm thấy bị “xúc phạm” vì nghị quyết bị bác bỏ và cho rằng những ý kiến phản đối là “một mưu mẹo rẻ tiền của những kẻ muốn bán vũ khí cho chế độ Syria hơn là đứng về phía người dân Syria”.
Sau khi thất bại trong việc thực hiện bước đi như đã từng làm với Libya thông qua Liên Hợp Quốc, Mỹ và các đồng minh châu Âu sẽ chuyển hướng sang tăng cường ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt sẵn có đối với chế độ Assad, trong khi nỗ lực phối hợp với các tổ chức như Liên đoàn Ảrập, Hội đồng hợp tác vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ để đẩy mạnh đối thoại với các phe phái đối lập tại Syria chống chế độ Assad.
Trong khi đó, Tổng thống Basha al-Assad cũng có tuyên bố đặc biệt cứng rắn cảnh báo NATO nếu có ý định tấn công nước này như đã làm với Libya. Lãnh đạo Syria khẳng định sẽ bắn phá Israel và tàu chiến Mỹ nếu bị tấn công. Cụ thể nước này doạ sẽ huy động tên lửa lên cao nguyên Golan để oanh tạc thành phố Tel Aviv của nước Israel láng giềng.
Syria còn đe doạ đánh đòn hội đồng bằng cách kêu gọi nhóm chiến binh Hezbollah ở Libăng bắn phá các thành phố của người Israel và yêu cầu Iran tấn công các tàu chiến của Mỹ ở vịnh Ba Tư. Ngoài ra, các lợi ích khác của Mỹ cũng như châu Âu sẽ tiếp tục trở thành mục tiêu tấn công.
Làn sóng biểu tình chống chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria nổ ra từ giữa tháng ba, cùng thời điểm với hoạt động tương tự ở Libya. Chính quyền Assad bị lên án vì đàn áp người biểu tình và khiến ít nhất 2.700 người thiệt mạng. Lãnh đạo nhiều nước phương Tây, trong đó có Mỹ, công khai kêu gọi ông Assad từ chức, động thái họ cũng từng làm với đại tá Gadhafi tại Libya.
Tuy nhiên, khác với Libya khi nghị quyết của Liên Hợp Quốc nhanh chóng được thông qua do Nga và Trung Quốc bỏ phiếu trắng thì nghị quyết về Syria đã bị phủ quyết do hai nước này có quan điểm phải đối quyết liệt. Điều này khiến phương Tây không thể dễ dàng can thiệp quân sự vào Syria như đã làm với Libya và giúp chế độ Assad có thêm có hội trụ vững trước làn sóng biểu tình đang lan rộng.
Đình Nguyễn