11/10/11

Thế và lực của Việt Nam trên biển


Trong bài “Việt Nam trước hình thái chiến tranh mới” với cái suy luận của lão nông chất phác, thấy sao nói vậy về đối tượng tác chiến của HQNDVN là ai. Vấn đề tiếp theo là so sánh thế và lực của hai bên ra sao, nếu như họ tấn công (nôm na so sánh lực lượng mạnh yếu) để từ đó hạ quyết tâm: Xin hàng. Hoặc nếu “Bệ hạ muốn hàng hãy chém đầu thần trước”. Không sợ, dám đánh, có cách đánh và quyết thắng.
Có một điều mà lịch sử luôn lặp đi lặp lại: Đối tượng tác chiến của Việt Nam trong chiến tranh bao giờ cũng hùng mạnh, và Việt Nam cuối cùng… vẫn thắng.
Tại sao đối phương lúc nào cũng có lực lượng hùng mạnh mà lúc nào cũng cứ thua không sớm thì muộn? Vậy điều gì xảy ra ở đây? Câu trả lời: Việt Nam không chỉ đánh giặc bằng “Dũng” mà còn phải đánh bằng “Trí”. Trí dũng song toàn. “Trí” ở đây là nghệ thuật quân sự độc đáo, đánh bằng mưu, kế; thắng bằng thế, thời. Còn dàn quân ra mà nghênh chiến với những lực lượng đó thì như Tướng Giáp từng nói với McNamara … “quân đội VN mà dàn quân ra nghênh chiến với Mỹ thì không chịu nổi 1 tuần”.
Mưu là lừa địch, đánh vào chỗ yếu, chỗ sơ hở, chỗ ít phòng bị của địch làm cho chúng lúng túng, bị động dẫn đến vỡ trận.
Kế là điều địch theo ý định của ta, giành quyền chủ động, buộc địch phải đánh theo cách ta lựa chọn.
“Thế” trong nghệ thuật quân sự là tình thế, thế nước, thế trận, thế bố trí lực lượng trên địa hình địa lý. Thế lấy lực làm cơ sở, do lực quyết định, nhưng thế lợi, thế hiểm thì biến lực nhỏ thành lớn và ngược lại một lực lớn nhưng ở vào thế bất lợi, mất thế thì bị suy yếu.
Hiện nay Việt Nam ở vào tình thế (bối cảnh trong khu vực và thế giới) rất có lợi, hoàn toàn ngược lại với năm 1979. Thế nước thì ổn định, phát triển. Nhân dân Việt Nam hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng CSVN – Tổ chức đầy bản lĩnh, dày dạn kinh nghiệm trong chiến tranh giữ nước. Nói thật cho đến bây giờ và ít ra vài thập niên nữa sẽ không có một tổ chức nào đủ tâm và đủ tầm ngoại trừ Đảng CSVN làm tròn sứ mạng này.
(Nếu muốn xóa sổ cái tổ chức này thì xin hãy khoan, chờ đến lúc nước nhà yên ổn với ông hàng xóm rồi có sức hãy xóa cũng chưa muộn)
Nếu hải chiến xảy ra, đôi bên dứt khoát sẽ phải tác chiến với 5 hình thức sau:
  1. Các đòn tấn công tiêu diệt các căn cứ trên bờ bằng pháo hạm, tên lửa (chủ đạo).
  2. Tìm diệt các loại tàu ngầm.
  3. Tìm diệt các tàu chiến mặt nước.
  4. Tìm diệt các tàu vận tải, cắt đứt tuyến vận tải.
  5. Phòng thủ bờ biển, đảo, bảo vệ các căn cứ quân sự, kinh tế quan trọng và hệ thống thông tin liên lạc.
Với cơ sở lí luận như trên, so sánh thế và lực của Việt Nam trên biển với Trung Quốc trong hoạt động tác chiến thứ nhất ta thấy rõ ràng về lực lượng Trung Quốc vượt trội, họ có nhiều tàu ngầm, tàu chiến to và hiện đại. trên bờ thì có nhiều tên lửa tầm xa, tầm gần. Do đó chỉ cần ấn nút thì loạt đầu cũng đã có hàng ngàn quả tên lửa các loại bay vào lãnh hải, lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên cũng không đáng ngại vì mức độ khủng khiếp chưa thấm vào đâu so với Hạm đội 7 và Không lực Mỹ đã từng dội xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác. Và nếu nói rằng với loạt đầu tiên sẽ làm cho hệ thống phòng thủ của Việt Nam bị tê liệt hoàn toàn thì e quá sớm.
Sĩ quan Hạm đội 7 Mỹ sau khi ấn nút xong thì tay mở rượu Uých ki, tay ôm gái khiêu vũ; Phi công B52 sau khi rải hàng ngàn tấn bom mà thoát lưới lửa hạ cánh xuống Guam là có quyền ôm vợ, bật TV xem chiến sự, thậm chí phóng xe đến sân xem trận bóng bầu dục… vì họ biết Việt Nam chưa đủ khả năng giáng trả đến nước Mỹ. Nhưng sự kiện 2 chiếc pháo đài bay B52 ở căn cứ Utapao-Thái Lan của Mỹ cũng bị đặc công Việt Nam làm tan xác đã nói lên một thông điệp rằng sẵn sàng giáng trả vào sào huyệt của đối phương không phải là ý tưởng quá mới mẻ trong giới quân sự Việt Nam.
Trung Quốc thì khác Mỹ, ấn nút xong thì không thể bật rượu Mao Đài hảo lớ hảo lớ được đâu. Hàng ngàn quả tên lửa bay sang VN thì ít ra cũng có hàng trăm quả tên lửa từ Việt Nam bay sang chỗ họ. Các chính khách, học giả nói trên có biết chắc tên lửa Việt Nam có loại nào có tầm bắn đủ để lao vào phòng ngủ của mình ở Bắc Kinh không? Tuy nhiên 1 trăm hay 1 vạn quả của Việt Nam cũng chẳng là gì với Trung Quốc, cái nguy hiểm và khủng khiếp nó không nằm ở đó mà ở chỗ nó kích nổ các quả bom cực lớn khác, lớn hơn bom nguyên tử, trong nội địa Trung Quốc đang chờ phát nổ. Như vậy nếu chỉ xét việc phóng tên lửa qua nhau thôi tức tên lửa đất đối đất thì Việt Nam vẫn ở trong thế có lợi, thế hiểm. Thế này giống như “điểm tựa” mà Acsimet cần để “bẩy quả đất”. Ngày nay một điều khẳng định chắc chắn là Việt Nam không ít thì nhiều cũng có thứ với tới được Trung Quốc trên đất liền (dĩ nhiên rồi) và cả trên biển.
Trên biển, quả thật nếu dàn trận để hải chiến thì e rằng Việt Nam khó có thể chịu được vài trận bởi tàu chiến của Trung Quốc quá hiện đại. Với công nghệ cao thì không thể có một quả tên lửa, ngư lôi, máy bay nào… từ đâu đến mà không bị diệt. Với tính năng kỹ chiến thuật như vậy thì quả là những chiến hạm bất khả xâm phạm. Nhưng thực tế lại không cho nó “tròn trịa” như vậy. Một phương châm mà giới quân sự Việt Nam luôn nghiên cứu kỹ và hành động là: “Nếu những gì công nghệ không làm được thì chiến thuật làm được”. Việt Nam, công nghệ quân sự không đủ hiện đại, tiên tiến tương xứng để xé toạc lá chắn phòng thủ của những chiến hạm kia thì từ thế trận chiến tranh nhân dân, từ thế địa lý bờ biển, bằng nhiều lối đánh độc đáo (chiến thuật) sẽ thừa sức đánh tiêu diệt chúng. Trong bài “Việt Nam trước hình thái chiến tranh mới” tôi đã từng nêu một trong những lối đánh sở trường của Hải quân VN là cơ động nhanh, bí mật, tập kích bất ngờ với các đòn dồn dập, nhiều hướng, nhiều chiều, nhiều phương tiện hỏa lực vào một mục tiêu làm cho đối phương lùng túng, rối loạn dễ bị tiêu diệt hoặc bị thiệt hại nặng nề. Nhưng lối đánh này liên quan mật thiết với thế địa lý, thế biển. Thế này cũng như thế trận chiến tranh nhân dân là nguồn gốc, hỗ trợ cho lối đánh làm tăng gấp bội lực, một địch muôn người. Nếu trên đất liền, cha ông ta đã tìm ra được ải Chi Lăng; Rạch Gầm–Xoài Mút; sông Bạch Đằng… thì ngày nay Bộ Tham mưu HQVN cũng không khó khăn gì để thấy những thế đó trên bờ biển… Vài chiếc xuồng phóng tên lửa, phóng lôi tốc độ cao ở đâu đó trên bờ biển, hải đảo; vài chiếc máy bay cũ kỹ từ những sân bay dã chiến (chỉ dùng cất cánh) ở đất liền… là có thể tạo nên một trận tập kích bất ngờ theo ý muốn.
Vậy Trung Quốc có lợi thế gì? Do chủ động gây chiến nên họ có thế bất ngờ, luôn chủ động chọn lựa mục tiêu; lực lượng họ vượt trội nên họ có thế tấn công áp đảo, có khả năng làm đối phương tê liệt hoặc thiệt hại nặng bởi đòn phủ đầu. Tất nhiên những gì mà là lợi thế của Việt Nam thì Trung Quốc sẽ ngược lại, thất thế. Trung Quốc không thể sử dụng lực lượng và lối đánh giống Việt Nam dù muốn. Đặc biệt, Trung Quốc hay nước nào mang quân đi gây chiến cũng vậy, muốn đánh nhanh, chớp nhoáng để thắng nhanh nhưng khi không thể thì bắt buộc phải kéo dài, dằng co thì ngay về chiến lược cũng đã tự mâu thuẫn rồi, do đó lợi thế cũng mất dần vào tay đối phương…
Do trong khuôn khổ một bài viết thì không thể đánh giá tiếp tương quan thế và lực của Việt Nam và Trung Quốc trong các hình thái tác chiến tiếp theo, nếu ai có quan tâm đến đất nước thì tiếp tục. Nhưng chỉ cần đến thế cũng có thể nói: Không sợ, đánh được, có cách đánh và sẽ thắng. Nói như thế không có nghĩa là Hải quân Trung Quốc thế và lực trên biển Đông yếu, Mỹ cũng chưa dám coi thường nữa là Việt Nam. Không tin thì Việt Nam thử đưa Hải quân sang xâm chiếm lãnh hải của Trung Quốc xem. Vấn đề đặt ra ở đây chỉ là nếu Trung Quốc dùng Hải quân xâm chiếm biển của Việt Nam mà thôi. Còn nếu bệ hạ muốn hàng thì thần…dân coi như không viết bài này.
Tuy nhiên chiến tranh, thực chất là sự tranh dành lợi ích. Khi không có hoặc có ít thì không dại gì gây chiến tranh vì chiến tranh không phải trò đùa đâu mấy ông học giả, chính khách ạ. Chết chóc, tang thương lắm. Chắc lẽ các vị con cháu đã định cư sang Úc, Canada, Mỹ nên mới hò hét hiếu chiến, vô tâm, vô cảm, vô đạo đức, vô nhân đạo vậy chứ, đúng không?
Năm 1979 Trung Quốc tấn công Việt Nam để chứng tỏ với Mỹ và phương Tây là Trung Quốc không giống Việt Nam, hãy để Trung Quốc yên ổn làm ăn. Ngày nay mục đích tấn công Việt Nam không rõ ràng, lợi ích kinh tế, chính trị không đủ ảnh hưởng nhiều đến đất nước thì sẽ chẳng có cuộc tấn công nào trong tương lai gần. Hòa bình vẫn là xu hướng chính cho cả 2 dân tộc.

Lê Ngọc Thống

Việt - Đức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược

Với "Tuyên bố chung Hà Nội: Việt Nam - Đức - đối tác chiến lược vì tương lai", Việt Nam và Đức chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Tuyên bố chung do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Đức Angela Merkel ký sáng nay (11/10) tại Hà Nội.

 Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức, tiến sỹ Angela Merkel thăm chính thức Việt Nam từ ngày 11-12/10. 
 Sau lễ đón được tổ chức trọng thể diễn ra vào sáng nay tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Angela Merkel đã tiến hành hội đàm. Tại cuộc hội đàm, hai Thủ tướng đã trao đổi nhiều vấn đề quan trọng nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.
 Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Angela Merkel đã quyết định chính thức nâng cấp quan hệ song phương lên tầm cao mới: đối tác chiến lược.
 "Tuyên bố chung Hà Nội: Việt Nam - Đức - đối tác chiến lược vì tương lai" đề cập đến 5 lĩnh vực hợp tác then chốt: hợp tác chính trị chiến lược, thương mại và đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật, hợp tác phát triển và bảo vệ môi trường, hợp tác giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hóa, truyền thống và xã hội.
 Cùng với văn kiện quan trọng trên, Thủ tướng hai nước đã chứng kiến lễ ký kết giữa đại diện bộ, ngành hai bên các văn kiện hợp tác: Hiệp định giữa Chính phủ hai nước về các vấn đề pháp lý đối với khu đất tại số 3 - 5 Lê Văn Hưu, TPHCM (Hiệp định về "Ngồi nhà Đức"), Hiệp định giữa Chính phủ hai nước về hợp tác tài chính năm 2010, Hiệp định giữa Chính phủ hai nước về hợp tác tài chính năm 2010, Ý định thư giữa Bộ tư pháp hai nước về việc tiếp tục chương trình hợp tác pháp luật và tư pháp, Ý định thư hợp tác giữa Tổng cục hậu cần - kỹ thuật, Bộ Công an Việt Nam và Nhà in quốc gia Đức.
 Từ nhiều năm nay, Đức luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu trên nhiều lĩnh vực. Năm ngoái, tổng giá trị trao đổi thương mại hai nước đạt trên 4 tỷ USD, tăng hơn18% so với năm 2009, còn trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt trên 1,7 tỷ USD, tăng 42%. Nhiều tập đoàn hàng đầu của Đức đã cam kết đầu tư lâu dài vào Việt Nam với số vốn khoảng 850 triệu USD. 
 
Bà Angela Merkel sinh ngày 17/7/1954 tại Hamburg, tốt nghiệp chuyên ngành Vật lý tại Đại học tổng hợp Leipzig, (tương đương thạc sỹ) và năm 1986 Bảo vệ Luận án tiến sỹ.

Từ 1978-1990 bà là cán bộ khoa học tại Viện hóa học Vật lý tại Học viện Khoa học; năm 1989 là thành viên của nhóm "Đột phá dân chủ"; năm 1990 Gia nhập Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) và là Người phát ngôn thứ hai trong Chính phủ de Maiziere (Đông Đức); từ năm 1990 Thành viên Quốc hội liên bang (Cộng hòa Liên bang Đức).

Năm 1991-1998 bà là Phó Chủ tịch Đảng CDU; từ năm 1993-2000 là Chủ tịch Đảng CDU ở Bang Mecklenburg - Vorpommern; từ năm 1991-1994 là Bộ trưởng Liên bang phụ trách vấn đề Phụ nữ và Thanh niên; từ năm 1994-1998 là Bộ trưởng Liên bang về Môi trường, Tài nguyên và An ninh nguyên tử; từ năm 1998-2000 là Tổng thư ký Đảng CDU; từ 2000 là Chủ tịch Đảng CDU; từ năm 2002-2005 Chủ tịch Đảng đoàn CDU/CSU trong Quốc hội Liên bang; từ 2005 trở thành Thủ tướng Liên bang.  (Theo TTXVN/VietnamPlus)
Theo VTV, Vietnamnet

Chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

 

Vào hôm nay, 09/10/2011, hai ngày trước khi lên đường qua Ấn Độ, thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước, chủ tịch nước Việt Nam đã dành cho hãng tin Ấn Độ PTI một bài phỏng vấn. Lãnh đạo Việt Nam đã hoan nghênh hợp tác Việt - Ấn trong lãnh vực dầu khí, đồng thời, ông cho biết sẽ tăng cường quan hệ chiến lược và quốc phòng với New Delhi.

Bình luận về những tranh cãi vừa bùng lên liên quan đến việc Ấn Độ thăm dò dầu khi trong hai lô của Việt Nam ở Biển Đông, gần bờ biển miền Trung Việt Nam, nhưng lại bị Trung Quốc phản đối, cho rằng đó là khu vực của họ, chủ tịch Trương Tấn Sang đã lên tiếng bảo vệ hợp tác giữa Hà Nội và New Delhi.
Ông nói : “Thực tế là tất cả các dự án hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác khác, bao gồm tập đoàn Ấn Độ ONGC trong lĩnh vực dầu khí đều nằm trên thềm lục địa, trong vùng đặc quyền kinh tế và thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, hoàn toàn phù hợp với pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước năm 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật biển”.
Trên cơ sở đó, chủ tịch nước Việt Nam xác định : “Chúng tôi hoan nghênh các công ty nước ngoài đến làm việc với đối tác Việt Nam trong các dự án dầu khí trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và phù hợp với pháp luật Việt Nam”. Ông Sang đồng thời cho biết là Việt Nam cam kết bảo vệ lợi ích hợp pháp của các công ty nước ngoài đã đầu tư trong nước.
Cả Ấn Độ và Việt Nam đều bác bỏ các tuyên bố chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông với lý do là căn cứ theo luật của Liên Hiệp Quốc, các lô mà Ấn Độ khai thác thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ấn Độ cũng đã nói rõ là công ty Nhà nước của họ sẽ tiếp tục thăm dò dầu khí tại Biển Đông.

 Theo RFI

Thủ tướng Đức sẽ đề cập đến vấn đề nhân quyền khi đến thăm VN



Bà Angela Merkel ngày 10/10 bắt đầu lên đường công du Việt Nam với hy vọng đạt được các thỏa thuận về thương mại và nguyên vật liệu thô với nước chủ nhà.
Tháp tùng Thủ tướng Merkel tới Việt Nam có phái đoàn các doanh nghiệp hàng đầu của Đức hầu tìm kiếm các cơ hội đầu tư và tăng cường mối quan hệ giữa nền kinh tế hàng đầu của Châu Âu với nền kinh tế phát triển nhanh tại Châu Á.
Bà Merkel nhận định Việt Nam là một quốc gia đang trỗi dậy tại Châu Á với nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây và đang dần trở thành một đối thủ cạnh tranh với các nước lớn như Trung Quốc.
Hãng thông tấn AFP ngày 10/10 trích thuật nguồn tin từ giới chức cao cấp trong chính phủ Đức cho biết trong chuyến thăm Việt Nam lần này, nhà lãnh đạo của Đức sẽ thúc đẩy tiến trình hiệp ước tự do mậu dịch giữa Liên hiệp Châu Âu với Việt Nam, thỏa thuận được Đức ủng hộ mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Đức cũng nhấn mạnh rằng bà sẽ đề cập đến tình trạng nhân quyền đang xuống dốc của Việt Nam trong chuyến công du này.
Bà Merkel khẳng định hợp tác kinh tế đương nhiên gắn liền với nhân quyền và cho biết khi tới Việt Nam, bà chắc chắn sẽ nêu các thắc mắc về nhân quyền với chính quyền Hà Nội.
Liên hiệp Châu Âu thường xuyên lên án việc Hà Nội vi phạm nhân quyền, ngăn cản quyền tự do bày tỏ quan điểm của công dân và đang kêu gọi Việt Nam phóng thích một công dân của EU, blogger mang song tịch Pháp-Việt Phạm Minh Hoàng. Ông bị tuyên án 3 năm tù hồi tháng 8 về tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ vì những bài viết đăng tải trên mạng internet.
Theo VOA tiếng Việt

Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam quyết định tái cơ cấu nền kinh tế

Trong 5 năm tới, Ban chấp hành trung ương Đảng CSVN thống nhất cần tập trung vào 3 lĩnh vực là tái cấu trúc đầu tư, cơ cấu lại thị trường tài chính và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.
Ngày 10/10, hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành trung ương Đảng CSVN khóa 11 đã bế mạc sau 4 ngày làm việc khẩn trương.
Phát biểu bế mạc, ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định tình hình đất nước hiện nay và dự báo sắp tới còn nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp. Tổng bí thư yêu cầu ngay sau hội nghị, Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội cần tiếp thu ý kiến chỉ đạo của trung ương, hoàn chỉnh các báo cáo, dự thảo kế hoạch để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Tổng bí thư đã khái quát 5 kết quả chủ yếu, nổi bật của hội nghị, trong đó chỉ rõ với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, xem xét các vấn đề một cách khách quan, khoa học, hội nghị đã thống nhất đánh giá tình hình kinh tế - xã hội đất nước, nguyên nhân của những khó khăn, thách thức hiện nay và xu hướng phát triển trong thời gian tới.
Ban chấp hành trung ương đã ghi nhận một số kết quả bước đầu quan trọng, tốc độ tăng GDP 9 tháng của năm 2011 đạt 5,76%; cả năm ước đạt 5,8-6%. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu quan trọng chưa hoàn thành, nhất là mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định; lạm phát vẫn ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; thị trường tài chính, thị trường bất động sản giảm sút, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Các đại biểu đã nhất trí về định hướng các giải pháp chủ yếu mà cả hệ thống chính trị phải đồng tâm hiệp lực chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến thực sự trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.
Việc thực hiện các chủ trương của đại hội 11 về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm. Đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, những người thuộc diện chính sách xã hội, lao động ở các đô thị, khu công nghiệp, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn. Tai nạn và ùn tắc giao thông chưa giảm, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng; khiếu kiện đông người, đình công xảy ra ở nhiều nơi; số vụ tội phạm, tệ nạn xã hội gia tăng, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.

Hội nghị đã chỉ rõ nguyên nhân của tình hình trên là do tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu; đồng thời do những yếu kém nội tại nền kinh tế với mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế lạc hậu, kém hiệu quả, tích tụ kéo dài từ lâu, chậm được khắc phục. Ngoài ra còn có lý do chủ quan là những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành, đặc biệt là trong điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa...
Trong kế hoạch 5 năm tới, Trung ương Đảng CSVN thống nhất cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện tốt 11 nhóm nhiệm vụ và giải pháp do Ban cán sự đảng Chính phủ trình. Nội dung mới được hội nghị xem xét và quyết định là phải tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Cụ thể, trong 5 năm tới, cần tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng nhất là tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.
Hội nghị đã cho ý kiến hoàn chỉnh và quyết định ban hành 3 văn bản quan trọng về thi hành Điều lệ Đảng nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.
(Theo TTXVN)